Hầu hết chúng ta nếu sống ở Việt Nam từ bé đến lớn chừng 16, 17 tuổi rồi sang Mỹ ở thì mặc dù nói tiếng Anh trẹo quai hàm cho đến 50 năm sau cũng chẳng bao giờ phát âm đúng như người Mỹ.
Cộng với việc uốn lưỡi trẹo quai hàm, nếu mình đánh dấu nhấn sai chỗ, người Mỹ nghe sẽ không hiểu. Ngày xưa khi mới sang, tôi đến tiểu bang Pensylvania. Khi vào học trung học ở California, bạn Mỹ trong lớp hỏi tôi trước đó ở đâu, tôi trả lời là ở Pen-sôl-vê-Ní-a. Họ lắc đầu không hiểu chỉ vì tôi đọc nhấn mạnh sai ở vần “Ní”. Vần nhấn đúng là ở chữ “Vế”: Pen-sôl-Vế-ni-a.
Người già rất khó để hòa nhập xã hội Mỹ vì yếu kém tiếng Anh (Trong một siêu thị Việt Nam tại Quận Cam, California). Ảnh: Nam Quang |
Tôi sang Mỹ từ năm 17 tuổi, bây giờ phát âm tiếng Anh vẫn còn dở ẹc. Có ở thêm chục năm nữa thì vẫn là anh Mít nói tiếng Mỹ. Ấy là tôi không phải người thất học vì ngày xưa từ bé bố tôi đã dạy tôi tiếng Pháp ở nhà. Vào trung học lớp 6 tôi chọn chọn sinh ngữ chính là Pháp văn. Đến năm lớp 9 thì như bao học sinh khác, tôi phải học thêm tiếng Anh là sinh ngữ phụ thứ hai. Tôi nói vòng vo tam quốc như thế để nhấn mạnh một điểm là tôi không đến nỗi ngu lắm khi học ngoại ngữ, thế mà sau 37 năm sinh sống ở Hoa Kỳ, tiếng Anh của tôi vẫn còn bập bẹ như chị bán bar trong xóm Bàn Cờ của tôi ngày xưa.
Có trình độ học vấn mà tôi còn thấy chới với, do đó hầu hết người Việt Nam sang Mỹ khi đã trưởng thành, nhất là những người ít học hay vào lứa tuổi 30, 40, thì không tài nào nói tiếng Anh được chuẩn.
Không đọc được tiếng Anh nên họ phát âm chữ Mỹ theo tiếng Việt nhiều khi vô tình nghe rất buồn cười.
Khi con tôi còn nhỏ, chúng tôi thuê một bà Việt Nam săn sóc vào ban ngày khi chúng tôi đi làm. Dĩ nhiên là bà ta hoàn toàn không nói tiếng Anh. Nếu nghe bà ta phát âm tên con đường Kuehner (Kiu-nơr) gần nhà tôi thì bảo đảm người Mỹ sẽ há hốc kinh ngạc: đường Cu Nó. Đường Cu Nó ở phía Tây thành phố. Phía Đông thành phố nơi bà ta ở có một con đường tên Culver (Kôn-vơr) thì bà ta biến nó thành đường Cu Dơ. Thành ra bà ta ở đường Cu Dơ, nhưng mỗi sáng đi làm đến nhà tôi ở gần đường Cu Nó.
Con đường chính yếu gần nhà tôi là Yosemite (Dzồ-sé-mi-ti) thì bà ta đọc là Dô Xe Mít, thành phố kế bên Burbank (bơr-beenk) thì bà ta đọc là Bấp Bênh. Đi trên đường Dô Xe Mít (Yosemite) gập ghềnh nên nó kế bên thành phố Bấp Bênh (Burbank) là phải lắm!
Những cặp vợ chồng Việt trẻ sinh con ở Hoa Kỳ phần lớn đặt tên tiếng Mỹ cho con vì chúng nó xem như là dân Mỹ, chẳng còn liên hệ gì đến Việt Nam. Bố mẹ có thể gọi được tên con, nhưng đối với ông bà nội/ngoại, gọi cháu mình với tên Mỹ là cả một cực hình.
Hơn chục năm trước tôi có quen một anh bạn. Khi vợ sinh đứa con trai đầu lòng, anh ta đặt tên con là Kirt (Kơrt). Vài năm sau tôi đến ăn sinh nhật, gặp bà ngoại cháu bé thì bà ấy nói với tôi:
- Cái thằng Liêm thiệt hết sức nói. Tiếng Dziệt Nam mình có biết bao nhiêu là tên, nó hổng đặt tên con nó tiếng Dziệt để tui dễ gọi, mà nó lại đặt tên tiếng Mỹ, tui giận hết sức.
- Tiếng Mỹ với tiếng Việt cũng như vậy thôi, có gì đâu mà bác giận? Tôi hỏi và nói tiếp: Mình ở Mỹ thì nên đặt tên con nít tiếng Mỹ, chứ nếu không mai sau nó vào trường học, bạn bè không gọi được tên tiếng Việt thì tội cho nó.
- Trời ơi, tội cho nó nhưng ai tội cho tui? Nó đặt tên con tiếng Mỹ thì làm sao tui kêu? Mà có đặt tên Mỹ thì cũng kiếm cái tên gì cho tui gọi được. Đằng này nó đặt tên thằng cháu tui là cái gì… “Cứt”, “Cứt”. Ngày nào tui cũng gọi thằng cháu tui tên “Cứt”, “Cứt”, nghe kỳ quá!
Đứa bé tên là Kirt (Kơrt), bà ta đọc không được tên cháu của mình nên gọi nó là “Cứt”!
Thời đại đặt tên con là “Cái Tĩn” hay “Thằng Tũn” đã xa xưa lắm rồi. Bây giờ thì bố mẹ nào cũng tìm tên thật đẹp để đặt cho con. Michelle (mi-sheo) hay Sally (sa-ly), tên con gái ở Mỹ nghe thật hay nhưng nhiều ông bà nội/ngoại không phát âm được nên đổi tên cháu Michelle ra… “Mì xào”, Sally gọi là “Xá-lị”.
Một cô bạn gái nói cho tôi biết có một anh bạn, vợ sinh con trai, đặt tên là Christopher. Người nào cùng lứa tuổi tôi có thể nhớ trước 1975 có phim “Tình thù rực nắng”, phim Mỹ nhưng không hiểu sao ở Việt Nam tựa đề phim lại là tiếng Pháp “Meutre au Soleil” (tựa tiếng Mỹ là “Summertime Killer”). Sở dĩ tôi còn nhớ vanh vách phim này vì hai tài tử chính, cô đào Olivia Hussey và anh chàng Christoper Mitchum đều đẹp. Tôi còn nhớ rõ Christopher Mitchum với bộ tóc mầu vàng, trông rất lạ vì tóc Á Đông của chúng ta mầu đen. Anh chàng này tóc vàng, da trắng, người Âu Mỹ trông thấy đã đẹp, tên anh ta Christopher nghe cũng đẹp nữa. Ấy thế mà bà nội Việt Nam ở Mỹ vì không nói được chữ Christopher (Khris-tô-phơr) tuyệt đẹp tên của cháu mình nên gọi nó là… “Tô Phở!”.
Anh này có một cậu em trai, cũng lấy vợ, và cũng sinh con trai. Hai vợ chồng người em đặt tên con là Tommy (tom-mi). Tên này thì quá dễ để cho ông bà gọi cháu, ấy thế mà bà cũng gọi trại ra theo âm Việt Nam: “Tô Mì”. Hai đứa cháu, một đứa là “Tô Phở”, một đứa là “Tô Mì”, bây giờ nó trở thành tên quá dễ để cho bà nội gọi cháu.
Tên đường sá ở Mỹ thì những người Việt tha hồ gọi theo tiếng của mình, chẳng quan tâm đến việc người Mỹ có hiểu hay không. Đây là một vài thí dụ tên đường sá, thành phố ở Mỹ, chữ trong ngoặc là phát âm đúng theo tiếng Mỹ, và chữ kế bên cạnh là người mình đổi sang tiếng Việt để đọc:
Magnolia (mặec-noó-li-a): Mặt ngó lia
Cullen (kơ-lân): Cù lần
McFadden (mặec-pha-đân): Mất phải đền
McLaughlin (mặec-láph-lân): Mắt láo liên
Brookhurst (brúk-hơrst): Bốc hốt
McKee (mặec-ki): Mặc kệ
Tully (tu-li): Tú lỳ
Bascom (bas -com): Bát cơm
Saratoga (sa-ra-tô-ga): Xỏ lá to gan
Piedmont (píd-mont): Bịt mông
Sau đây là một người Việt nói một câu dùng tiếng Mỹ trà trộn thêm vào:
- Ông đi tới bảng tốp (stop), quẹo phải thì thấy đất to (drug store - drấg-stor: nhà thuốc Tây) mua cho tôi hộp ếch rình (aspirin), nghe nói ếch rình là thần dược còn chữa cô rồ (cholesterol) nữa!
Đây là một câu chuyện cũng về người Việt đọc tiếng Anh, lưu truyền trên Internet, tôi không biết ai là tác giả, xin chép lại nguyên văn:
“Tui xin kể một chuyện vui có thiệt 100%, xảy ra cho chính tui:
Cách đây vài tháng, một người bạn nhờ tui ra phi trường đón giùm một cô ca sĩ rất rất ư là nổi tiếng bên VN (xin cho phép tui tạm giấu tên cô ca sĩ đó). Nàng là thần tượng của giới trẻ bên đó và cũng như bên đây. Nàng rất ư là dễ thương và very cute! và thông minh luôn. Nàng sang đây hát show theo lời mời của nhóm bạn của tui. Anyway, trên xe, nàng hỏi tui là nàng có thể xài thẻ tín dụng bên đây được không? Tui hỏi lại là thẻ loại gì? Của nhà băng nào? Thì nàng nhỏ nhẹ bảo là thẻ của nàng là thẻ “Con mẹ xin ăn”! Và cứ thế, suốt cả giờ, nàng huyên thuyên kể về cái thẻ “Con mẹ xin ăn” của nàng có rất nhiều tiền trong đó, nàng có thể dùng nó bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tui không dám hỏi. Cũng không dám ngắt lời nàng để hỏi. Trong lòng cứ ấm ức và thắc mắc - Ngộ thiệt đó nha! Cớ sao nhà băng bên Việt Nam lại lấy một cái tên nghe oái oăm thiệt. Tại sao lại đi lấy tên nhà băng là “Con mẹ xin ăn” nhỉ? Thiếu gì tên đẹp mà sao hổng lấy. Mà lạ, nàng bảo là cái “Con mẹ xin ăn” băng này là lớn lắm đó nha... Em được họ cho em muốn xài bao nhiêu cũng được cả. Vì họ biết em có dư khả năng trả cho họ hàng tháng!”. Chở nàng đến khách sạn, tui ngần ngừ rồi năn nỉ: “Em cho anh xem thử cái thẻ... của em được không?”.
Mèng đét ui, té ra nó là cái thẻ Commercial Bank! Tui phá ra cười khom cả cái lưng còm ốm yếu cúa tui. Mà tất nhiên là hổng dám giải thích cho nàng hiểu tại sao mình cười. Hi hi hi. Suốt đời chắc hông bao giờ quên được cái kỷ niệm đó, kỷ niệm mà tui hông bao giờ dám kể lại cho nàng nghe cả!
(Ghi chú: Chữ “Commercial” nếu phát âm theo tiếng Anh thì không nghe giống “Con mẹ xin ăn” nhưng nếu phát âm theo tiếng Pháp hoặc theo lối VN thì đúng là “Con mẹ xin ăn”).
Dùng tiếng Anh sai cũng tai hại không kém. Một chị bạn kể cho tôi nghe chị có một bà láng giềng người Việt Nam. Một buổi sáng chục năm trước bà ta ra xe thì gặp ông láng giềng Mỹ. Khi ông ấy hỏi: “Bà đi đâu thế?” , thì bà ta trả lời: “Sáng nay tôi đi tìm mua một cái condom” . Ý bà ta nói là muốn mua một cái condo (con-đô, không có m), chữ viết tắt của chữ condominium, có nghĩa tương tự như chữ apartment, nhưng bà ta lại nói nhầm là condom (con-đâm). Condom là bao cao su cho đàn ông dùng để ngừa thai!
Câu chuyện sau đây cũng là người Việt nói tiếng Mỹ:
Có một anh Việt Nam ngày xưa ở dưới Rạch Giá, sang đây làm nghề thợ ráp ở hãng tôi. Cũng giống như bao nhiêu người Việt mê nhạc Việt Nam, hát karaôkê và tổ chức nhảy đầm ở nhà, anh ta rất rành rẽ những điệu nhạc như Valse, Cha-Cha-Cha, Tango, Bolero, Rumba… Một hôm anh ta xuống Santa Ana vào một tiệm bánh để mua bánh paté chaud. Rất tự tin, anh ta ung dung nói với cô bán hàng:
- Cô bán cho tui ba cái bánh “ba-sô-đốp”.
Cô bán hàng ngẩn tò te nhìn vì không hiểu anh ta muốn gì, mà anh ta cũng không biết tại sao cô ta nhìn mình: Thay vì nói muốn mua bánh paté chaud, anh ta nói muốn mua pasodoble, một loại điệu nhẩy!
Đọc đến đây quý vị chắc sẽ có vài nụ cười và nói với tôi “Thank you” đã viết bài này. Tôi định trả lời “Không có chi” bằng tiếng Anh cho quý vị: “You are welcome”; nhưng thay vì phát âm đúng như người Mỹ nói: “You Arr Gweo Kâm”, tôi bắt chước một bà Việt Nam lớn tuổi ở tiểu bang Mả-Cha-Chú-Chệt (Massachusetts – Más-sa-chú-sệt) nói câu “You are welcome” với giọng An Nam Mít đặc sệt:
- Giò heo hầm.
Không giỏi tiếng Anh là một khó khăn rất lớn của những người nhập cư ở Mỹ. Nhiều người Việt, dù đã sống ở đây hàng vài ba chục năm vẫn không thể hòa nhập, khó kiếm được công việc tốt, thu nhập cao. Đặc biệt là những người già sang Mỹ đoàn tụ với con cháu. Nếu như ở những vùng như Little Saigon, quận Cam hay San Jose, tiểu bang California có thể tồn tại không cần biết tiếng Anh, nhưng ở những nơi ít người Việt thì đó là nỗi cô đơn khủng khiếp, và nếu lớp cháu chắt sinh ra ở Mỹ gần như không còn biết tiếng Việt thì đó còn là một "thảm họa". Tác giả Nguyễn Tài Ngọc viết hài hước nhưng rất xác đáng về thực trạng này.
(Theo Vietbao)